Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Voọc )
Các loài thú Linh trưởng ở Việt Nam

( Phần 3 - Họ Khỉ - Các loài Voọc và Chà Vá )

      Tất cả các loài Khỉ tại Châu Âu,Châu Á và Châu Phi đều thuộc họ Cercopithecidae  nằm trong  Bộ Linh trưởng Primates . Đặc điểm đặc trưng của các loài này bao gồm : Chân sau dài hơn chân trước ; đuôi không có khả năng cầm nắm , mũi và hàm hẹp. Dựa vào các đặc điểm giải phẫu mà mỗi loài khỉ lại có các chế độ ăn khác nhau . Họ khỉ được chia thành 2 phân họ : Phân họ Cercopithecinae gồm các loài Khỉ có túi má lớn ,hàm dài ,răng khỏe và dạ dày đơn giản .Đây là nhóm linh trưởng ăn tạp , hoạt động cả dưới mặt đất lẫn trên cây . Và phân họ thứ hai là phân họ Colobinae gồm các loài Voọc và Chà Vá ăn lá , chúng có răng yếu và dạ dày kết túi ,nhóm này hoạt động phần lớn trên cây và thức ăn chủ yếu là các loại lá, quả , chồi cây.
   Trên thế giới có 81 loài khỉ. Việt Nam có 15 loài họ Khỉ . Trong số đó có 4 loài là Linh trưởng đặc hữu Việt Nam,không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh .
    Đó là : Voọc Cát Bà  ( Trachypithecus policephalus ), Voọc Mông trắng ( Trachypithecus Delacouri ) , Voọc Mũi hếch ( Rhinopithecus avunculus ) Chà Vá chân xám ( Pygathrix cinerea ).
          
           Nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu về các loài Voọc và Chà Vá ở Việt Nam các bạn nhé !




1. Voọc Cát Bà
Tên khoa học : Trachypithecus francoisi poliocephalus ( Trouesart,1911 )    - Tên tiếng Anh : Golden-Headed Langur
Các tên khác : Khỉ đen,Voọc đầu trắng, Càng đen đầu trắng ( Việt )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc Cát Bà là loài đặc hữu chỉ có tại Việt Nam . Loài Voọc này có thân màu đen, phân biệt với các loài voọc khác nhờ vào màu lông ở đầu và vai màu trắng vàng . Chỏm lông trên đỉnh đầu thường tạo thành mào nhọn ,với gốc lông màu vàng nhạt , mút lông phớt xám . Đuôi dài, thon, dày lông màu đen. Con non mới sinh có lông màu vàng nhạt . Vùng da mặt ngăm đen và không có lông .
   Voọc Cát Bà có chiều dài đầu và thân 47 - 56 cm . Đuôi dài 66 - 77 cm . Cân nặng 65 - 76 kg.
Tập tính - sinh thái :
   Voọc Cát Bà sống thành bầy đàn khoảng 5 - 15 con .Sinh sản quanh năm ,nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 4 đến tháng 10.Mỗi lứa đẻ 1 con .
   Sinh cảnh sống của chúng là những rừng cây gỗ, những mỏm núi đá vôi thuộc quần đảo Cát Bà.Chúng leo trèo tốt , thường chạy nhảy đùa nghịch trên các mỏm đá ven biển vào chiều tà . Đêm chúng ngủ ngay trên vách đá vào mùa nóng,và ngủ trong hang đá vào mùa lạnh.
   Voọc Cát Bà kiếm ăn ngày hai buổi vào sáng và chiều, trưa nghỉ trên cây . Thức ăn chủ yếu của chúng là chồi non và một số loại quả
Phân bố :
   - Thế giới : Là loài đặc hữu nên chỉ có duy nhất ở Việt Nam
   - Việt Nam : Hải Phòng ( Đảo Cát Bà )
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR A1c,d C1+2b




2. Voọc Bạc
Tên khoa học : Trachypithecus cristatus ( Raffles,1821 )    - Tên tiếng Anh : Silvered Langur
Các tên khác :Voọc mào ( Việt )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc Bạc có thân hình thon nhỏ , lông trên đỉnh đầu có màu tối xám. Khuôn mặt màu xanh xám đen và có chòm râu dài màu trắng nhờ . Chiếc mào trên đầu gần như nhọn. Thân chuyển từ màu xám tới màu đen với các chóp lông màu xám hay vàng nhẹ , tạo nên như ánh bạc .Bụng màu xám nhật . Chân tay dài . Đuôi dài. Phần dưới đuôi có màu hơi vàng nhật . Con non mới sinh có màu da cam và chuyển thành màu xám khi 3-4 tháng tuổi.
    Voọc Bạc có chiều dài đầu và thân 49 - 57 cm . Chiều dài đuôi 72 - 84 cm . Trọng lượng 5-7 kg.
Tập tính - sinh thái :
   Voọc Bạc sống theo nhóm gia đình gồm từ 10 - 40 cá thể . Trong đàn có một con đực dẫn đầu . Chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày . Leo trèo rất giỏi và sống ở trên cây . Chúng di chuyển bằng cách nhảy từ ngọn cây này sang ngọn cây kia , sức bật của chúng rất xa, có thể nhảy xa trong khoảng cách 5 m.
   Sinh cảnh sống của chúng là các cánh rừng nguyên sinh, thứ sinh, ven biển, bìa rừng dọc theo các con sông.
   Voọc Bạc không ăn động vật , thức ăn của chúng chủ yếu là lá, chồi cây và quả
Phân bố :
   - Thế giới : Lào, Campuchia, Thái Lan , Malaixia , Inđônêxia
   - Việt Nam : Gia Lai , Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Nha Trang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Kiên Giang,Tây Ninh.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít nguy cấp : LR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1c,d






3. Voọc Xám

Tên khoa học : Trachypithecus phayrei ( Blyth,1847 )    - Tên tiếng Anh : Phayre's Langur
Các tên khác : Càng cả, Voọc tro ( Việt ), Con gian ( Mường ),Tô cả,Tu khờ lá ( Thái ), Nhăng, Nhăn ý ( H'Mông ),
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc Xám là loài mà màu sắc bộ lông giữa các cá thể trong đàn khá khác nhau, từ màu đỏ của gỉ sắt, màu xám hoặc xám nâu sẫm, nhưng giống nhau ở màu lông đầu và đuôi. Nhìn gần , có thể thấy rõ các vòng lông màu xanh nhạt xung quanh hai mắt . Thường có những mảng lông màu trắng nổi bật trên môi . Túm lông dài trên đỉnh đầu mọc theo hướng vuốt ngược ra sau. Lông ở vùng lưng thẫm hơn ở vùng bụng . Bên hông có các lông dài, đầu lông có ánh bạc . Đuôi dài hơn thân , lông đuôi rất dài . Chân tay có màu đen,phần trên cánh tay,chân và đuôi có màu xám bạc . Con non có màu vàng nhạt khi mới chào đời
    Chiều dài đầu và thân của Voọc Xám từ 49 - 57 cm . Chiều dài đuôi 72 - 84 cm . Cân nặng khoảng 5 - 9,5 kg.
Tập tính - sinh thái :
  Voọc Xám là loài khá nhút nhát . Chúng sống thành từng nhóm từ 3 - 30 cá thể . Sinh sản quanh năm, Voọc cái chửa khoảng tháng 3 - tháng 7. Mỗi lứa đẻ một con
  Voọc Xám sinh sống ở những vùng rừng cây cao trên núi đá vôi, rừng thường xanh . Hoạt động vào ban ngày . Cuộc sống leo trèo trên cây . Chúng thường ngủ trên các vách đá tai mèo dựng đứng, hoăc trên các gốc cây mọc ở vách núi treo leo . Mùa đông chúng trú ẩn, ủ ấm trong các hang đá .
  Thức ăn của chúng là chồi lá non và quả cây rừng , không ăn động vật.
Phân bố :
   - Thế giới : Mianma, Nam Trung Quốc, Bắc Lào, Campuchia, Thái Lan
   - Việt Nam : Lai Châu, Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng thiếu số liệu : DD
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1c,d





4. Voọc Mũi Hếch

Tên khoa học : Rhinopithecus avunculus ( Blyth,1863 )    - Tên tiếng Anh : Tonkin Snub-Nosed Monkey
Các tên khác : Voọc ( hay Veec ) bông lau ( Việt ) , Cà dác, Mò piàn ( Tày ) , Mô chèn ( Dao ), Mò piàn ( Thái ).
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc  Mũi Hếch là loài lớn nhất  trong họ Phụ Voọc . Bộ lông màu nâu đen. Lông trên đầu và quanh mặt màu trắng nhạt . Không có mào lông trên đỉnh đầu . Vùng bụng ,mắt,chi trước và chi sau có màu trắng nhờ , mảng lông trắng này kéo trùm ra phía ngoài khuỷu tay . Đuôi dài hơn thân, lông xù . Lỗ mũi hình hạt nhót,chóp mũi hếch lên trên . Vòng tròn quanh mắt màu trắng tuyết . Chùm lông trên tai và trán cũng có màu trắng . Miệng màu hồng .Con non mới đẻ có màu vàng nhạt.
   Chiều dài đầu và thân của Voọc  Mũi Hếch  là 52 - 62 cm . Chiều dài đuôi 58 - 88 cm.
Tập tính - sinh thái :
   Voọc  Mũi Hếch sống theo đàn, mỗi đàn từ 7 - 20 cá thể .Đầu đàn là một con đực to khỏe có nhiệm vụ quản lý và báo động cho cả đàn khi gặp nguy hiểm.
   Là loài khá nhút nhát nên Voọc  Mũi Hếch  thường xuyên sống trên các tầng cây cao, di chuyển bằng tứ chi dọc theo các cành cây lớn ở tầng cao trung bình . Leo trèo giỏi, có thể nhảy từ cây này sang cây kia cách xa nhau 6-7m . Chúng ngủ trên cành cây.
   Sinh cảnh sống của Voọc  Mũi Hếch là rừng gỗ cao trên đỉnh núi đất, dưới thung lũng, và trên núi đá..
   Mùa sinh sản của Voọc  Mũi Hếch vào khoảng tháng 10 - 12 . Từ tháng 3-6 thường thấy con cái mang con non trước ngực .
   Thức ăn chủ yếu của chúng là một số loại quả , lá non và hạt .
Phân bố :
   - Thế giới : Là loài đặc hữu nên chỉ có duy nhất tại Việt Nam
   - Việt Nam : Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên , Quảng Bình.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR B 2a,b,c C1




5. Voọc Đen Má Trắng
Tên khoa học : Trachypithecus francoisi francoisi ( De Pousargues ,1898 )    - Tên tiếng Anh : Francois' Langur
Các tên khác : Càng đen, Vượn dài đuôi, Voọc đen đuôi dài ( Việt ) , Tu càng ( Tày )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc Đen Má Trắng có bộ lông dày màu đen tuyền. Đầu có mào lông đen . Có vệt lông màu trắng chạy từ khóe miệng đến tai . Khuôn mặt tối , không có lông , lằn gồ trên trán rất nổi bật , liền với lông mày nổi lên . Đuôi rất dài màu đen. Con non có màu vàng cam.
   Chiều dài đầu và thân của Voọc Đen Má Trắng là 47 -56 cm . Chiều dài đuôi 66 - 77 cm . Trọng lượng khoảng 5-7 kg
Tập tính - sinh thái :
    Voọc Đen Má Trắng sống thành đàn từ 5 - 20 con . Chúng chỉ sống ở rừng trên núi đá vôi. Mùa nóng chúng ngủ trên các vách đá ,mùa lạnh chúng nhủ trong các hỏm đá trên các vách cao dựng đứng .Vân động nhanh nhẹn , leo trèo giỏi. Mùa sinh sản của Voọc Đen Má Trắng từ tháng 3 -7 , mỗi năm đẻ một lứa , mỗi lứa đẻ một con.
    Voọc Đen Má Trắng kiếm ăn ngày hai buổi, trưa nghỉ . Thức ăn của chúng chủ yếu là chồi lá non , ít thấy ăn quả và hạt , tuyệt đối không ăn động vật.
Phân bố :
   - Thế giới : Trung Quốc
   - Việt Nam : Các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d C2a




6. Voọc Hà Tĩnh
Tên khoa học : Trachypithecus laotum hatinhensis ( Dao , 1970 )    - Tên tiếng Anh : Hatinh Langur
Các tên khác : Voọc gáy trắng, Càng đen gáy trắng ,Voọc đen Hà Tĩnh , Voọc đen đuôi dài  ( Việt ) , Khủng ( Rục , Sếch )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc Hà Tĩnh là động vật đặc hữu được tìm thấy tại Việt Nam . Con trưởng thành có bộ lông dày , sợi lông dài mềm và màu đen . Bụng đen xám . Vùng háng và bện màu xám . Đỉnh đầu có mào lông đen . Có hai vạch trắng nhỏ đi từ góc mép qua má chạy lên phía trên vành tai và ra sau gáy .Đuôi dài hơn thân , thon đều,rậm lông và màu đen . Con non mới đẻ có màu vàng cam .
   Kích thước Voọc Hà Tĩnh : Chiều dài đầu và thân 52 - 62 cm . Chiều dài đuôi 58 - 88 cm . Trọng lượng 6,8 - 8.8 kg.
   * ( Voọc đen gáy trắng có 2 phân loài : Phân loài có bộ lông bóng láng với một vệt trắng nhỏ chạy từ khóe miệng,vòng qua tai chạy ra sau gáy .Chỉ có ở Việt Nam . Có tên khoa học đầy đủ là T.l.hatinhensis . Phân loài này phân biệt với loài Voọc Lào với toàn bộ lông đen tuyền không có vạch trắng .Có tên khoa học là T.l.ebenus )
Tập tính - sinh thái :
   Voọc Hà Tĩnh sống thành bầy đàn ,số lượng từ 5 - 18 cá thể trong đàn . Đầu đàn là một con đực ,con này đi riêng một mình phía trước khi đàn kiếm ăn và theo dõi đàn từ xa .
   Chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày , leo trèo giỏi,chạy trên các cành cây rất nhanh, nhảy xa. Ban đêm chúng kiếm các hốc đá trên cao để ngủ . Mùa sinh sản từ tháng 2 -5 , thường thấy Voọc mẹ ôm con non từ tháng 6 - 11 . Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con
   Voọc Hà Tĩnh không ăn động vật , thức ăn của chúng gồm chồi lá non và quả cây rừng.
   Sinh cảnh sống của Voọc Hà Tĩnh là các khu rừng cây gỗ trên núi đá vôi .
Phân bố :
   - Thế giới : Là loài đặc hữu nên chỉ có duy nhất ở Việt Nam
   - Việt Nam : Các tỉnh Thanh Hóa , Nghệ An , Hà Tĩnh , Quảng Bình .
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp :  EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d




7. Voọc Mông Trắng
Tên khoa học : Trachypithecus delacouri ( Osgood ,1832 )    - Tên tiếng Anh : Delacour's Langur
Các tên khác : Voọc quần đùi trắng , Càng đen mông trắng ( Việt ) , Tắc rộc ( Mường ) , Tay dáo ( Dao )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Voọc Mông Trắng là động vật đặc hữu của Việt Nam .
   Bộ lông của chúng màu đen,dày ,rậm và thô. Đầu có  mào lông hình chóp đen . Đám lông trắng trên má rộng ,vượt lên trên vành tai. Da mặt màu ngăm đen , không có lông , trên trán có một gờ lồi gắn liền với gờ lông mày .Mắt  nâu đen .Lông vùng mông và đùi trắng. Đuôi dài ,lông dày , bông , sợi lông mọc vuông góc với đuôi và có màu đen bóng láng . Con non có màu vàng cam
   Voọc Mông Trắng có chiều dài đầu và thân 47 - 56 cm . Chiều dài đuôi 66 - 77 cm . Trọng lượng  6 - 7 kg.
Tập tính - sinh thái :
   Voọc Mông Trắng sống theo bầy đàn, mỗi đàn từ 5 - 10 cá thể .
   Mùa sinh sản của Voọc Mông Trắng tập trung từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau . Thời gian mang thai trung bình là 196 ngày . Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con.
   Voọc Mông Trắng hoạt động ban ngày , sống chủ yếu trên cây . Mùa nóng ngủ trong các vách đá , mùa lạnh ngủ trong hang . Voọc Mông Trắng kiếm ăn ngày 2 buổi vào buổi sáng và buổi chiều,buổi trưa nghỉ . Voọc Mông Trắng không ăn động vật  , thức ăn chủ yếu của chúng là lá ,chồi non và một số loại quả rừng .
Phân bố :
   - Thế giới : Là loài đặc hữu nên chỉ có duy nhất ở Việt Nam
   - Việt Nam : Các tỉnh Yên Bái , Hòa Bình , Ninh Bình ,Thanh Hóa , Nghệ An , Hà Tĩnh .
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR A1c,d C1+2a



8. Chà vá chân nâu
Tên khoa học : Pygathrix nemaeus nemaeus ( Linnaeus , 1771 )    - Tên tiếng Anh : Red-Shanked Douc Langur
Các tên khác : Voọc vá chân nâu,Voọc ngũ sắc , Voọc vá, Giác hoàng ( Việt ), Doọc ( Thái ) , Muỗm ( Rục ) , Dộc ( Mường ) , Voọc lình , Khỉ chú hính ( Tày ) .
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Chà Vá Chân Nâu có thân hình thon gọn . Bộ lông  dày ,dài và mềm với nhiều màu . Đỉnh đầu và trán màu đen . Mặt vàng nâu , viền lông quanh mặt trắng mốc. Lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt . Có râu cằm dài và lông tia trên má màu trắng. Cổ và ngực màu hung đỏ từ rực rỡ đến nhạt . Lưng màu xám nhạt lấm tấn trắng . Lông ở 2 vai màu xám đen. Chân ,tay dài . Cánh tay từ khuỷu đến mu bàn tay trắng xám . Đùi màu đen , ống chân chuyển màu từ hung đỏ đến nâu đỏ thẫm . Mu bàn chân và ngón màu đen . Đuôi thon dài , quanh gốc đuôi và đuôi màu trắng bẩn .
    Chiều dài đầu và thân của Chà Vá Chân Nâu  là 52 - 62 cm , chiều dài đuôi là 58 - 88 cm . Trọng lượng 7 - 13 kg
Tập tính - sinh thái :
   Chà Vá Chân Nâu sống thành bầy đàn  từ 5 - 30 cá thể . Chúng sinh sản quanh năm nhưng tập trung nhiều vào các tháng 5,6,7. Mang thai khoảng 165 ngày  . Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con .
   Chà Vá Chân Nâu thường xuyên sống trên các tầng cây cao và trung bình , leo trèo giỏi , hoạt động thầm lặng không gây ồn ào như các loài khỉ khác .Chúng hoạt động chủ yếu vào hai buổi sáng và chiều . Ban đêm chủ ngủ  bằng cách nằm sấp , hai tay ôm lấy cành cây .
   Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại lá rừng và chồi non, ngoài ra còn bổ xung thêm một số loại quả và hạy cây.
Phân bố :
   - Thế giới : Lào
   - Việt Nam : Thanh Hóa , Nghệ An , Hà Tĩnh , Quảng Bình , Thừa Thiên- Huế , Quảng Nam, Đà Nẵng ,Gia Lai, Kon Tum , Đắk Lắk  , Lâm Đồng , Đồng Nai, Bình Dương , Bình Phước , Tây Ninh.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1a,c,d B2b




9. Chà vá chân xám
Tên khoa học : Pygathrix cỉnerea ( Tilo Nadler ,1997 )    - Tên tiếng Anh : Grey-Shanked Douc Langur
Các tên khác : Voọc vá chân xám, Khổ mới ( Việt )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Chà Vá Chân Xám sống theo đàn từ 10 - 15 cá thể .
   Chúng sở hữu đôi chân dài . Lông từ đầu gối đến mắt cá có màu xám giống màu trên đùi . Các ngón tay và ngón chân có màu đen . Thân màu xám và có sự trộn lẫn của các màu đen,trắng và xám . Cánh tay dài màu xám , nhưng đôi khi có một vài đốm  trắng trên cổ tay . Lông trên má ngắn và có màu trắng. Da mặt màu trắng kem . Đuôi dài ,trắng và có túm lông ở cuối . Vùng hạ bộ màu trắng . Con non màu xám đỏ ,đuôi trắng .
   Chiều dài đầu và thân 52 - 62 cm . Chiều dài đuôi 58 - 88 cm . Trọng lượng 7 -  12 kg
Tập tính - sinh thái :
   Chà Vá Chân Xám là loài khá nhút nhát ,thường xuyên sống trên các tán rừng có độ cao lớn và trung bình . Di chuyển bằng tứ chi dọc theo các cành cây . Hoạt động kiếm ăn vào buổi sáng .Ngủ đêm trên các cây gỗ lớn có tán rậm .
   Thức ăn của chúng là lá cây, cuống lá, chồi non và các loại quả rừng.
Phân bố :
   - Thế giới : Là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam
   - Việt Nam : Quảng Nam, Kon Tum , Bình Định .
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR A1c  B2b D




10. Chà vá chân đen
Tên khoa học : Pygathrix nigripes ( Milne-Edwards , 1871 )    - Tên tiếng Anh : Black-Shanked Douc Langur
Các tên khác : Voọc vá chân đen, Voọc vá Nam Bộ ( Việt ) , Dộc hoa ( Ba Na , Ê Đê )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Chà Vá Chân Đen có thân hình thon nhỏ . Bộ lông dày và mềm . Lưng màu xám đen . Đầu trắng xám . Hai bên thái dương có viền lông màu nâu đỏ . Mặt nhiều lông dài từ trắng sáng đến xám,dầy tạo thành đĩa mặt . Da quanh mắt màu vàng cam. Trán và quanh miệng màu xanh lam nhạt . Mũi xám nâu. Vai màu xám đen. Cẳng tay màu xám trắng , không có khúc trắng trên cẳng tay . Từ móng đến mu bàn chân đen . Cẳng chân xanh đen đến đen xì . Vùng bẹn và đuôi trắng đục. Đuôi nhỏ thon, dài hơn thân màu trắng đục ,có mảng trắng hình tam giác ở gốc đuôi,có túm lông nhỏ .
   Chiều dài đầu và thân 52 - 68 cm . Chiều dài duôi 58 - 88 cm . Trọng lượng 8 - 11 kg
Tập tính - sinh thái :
   Chà Vá Chân Đen sống theo đàn từ 10 - 30 cá thể , cầm đầu đàn là một con đực  . Chúng khá nhút nhát và  sống ở vùng rừng kín thường xanh .
   Kiếm ăn vào buổi sáng và chiều . Đêm ngủ trên cây gỗ cao .
   Thức ăn của chúng gồm lá non và mầm cây
Phân bố :
   - Thế giới : Campuchia
   - Việt Nam : Gia Lai, Kon Tum , Đắk Lắk  , Lâm Đồng , Đồng Nai, Bình Dương , Bình Phước , Tây Ninh, Đồng Nai
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới : Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1a,c,d B2b



Linh trưởng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng một phần do chúng mất dần sinh cảnh sống , một số loài thực vật là nguồn thức ăn yêu thich của chúng biến mất . Nhưng nguyên nhân chính vẫn là nạn săn bắt của con người đã đẩy số phận các loài linh trưởng Việt Nam đến bờ vực tuyệt diệt . Chúng ta cần phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thú quí hiếm . Để Việt Nam luôn là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu đa dạng sinh học trên Thế Giới  các bạn nhé !

Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Thú họ Mèo tại Việt Nam (11/08/2012)
Danh mục các loài Thú Linh Trưởng ở Việt Nam (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Culi ) (17/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Khỉ ) (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Vượn ) (17/03/2014)
Xem tiếp
Biodiversity Philately Vietnam - BPV
Đang online:2             
Tổng số truy cập: 3625096