Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Khỉ )
Các loài thú Linh trưởng ở Việt Nam

( Phần 2 - Họ Khỉ - Các loài Khỉ )

      Tất cả các loài Khỉ tại Châu Âu,Châu Á và Châu Phi đều thuộc họ Cercopithecidae  nằm trong  Bộ Linh trưởng Primates . Đặc điểm đặc trưng của các loài này bao gồm : Chân sau dài hơn chân trước ; đuôi không có khả năng cầm nắm , mũi và hàm hẹp. Dựa vào các đặc điểm giải phẫu mà mỗi loài khỉ lại có các chế độ ăn khác nhau . Họ khỉ được chia thành 2 phân họ : Phân họ Cercopithecinae gồm các loài Khỉ có túi má lớn ,hàm dài ,răng khỏe và dạ dày đơn giản .Đây là nhóm linh trưởng ăn tạp , hoạt động cả dưới mặt đất lẫn trên cây . Và phân họ thứ hai là phân họ Colobinae gồm các loài Voọc ăn lá , chúng có răng yếu và dạ dày kết túi ,nhóm này hoạt động phần lớn trên cây và thức ăn chủ yếu là các loại lá, quả , chồi cây.
   Trên thế giới có 81 loài khỉ. Việt Nam có 15 loài thuộc họ Khỉ . Trong số đó có 5 loài khỉ Macaca thuộc phân họ Cercopithecinae
          
           Nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu về các loài Khỉ ở Việt Nam !





1. Khỉ đuôi lợn
Tên khoa học : Macaca (nemestrina) leonina ( Blyth,1863 )    - Tên tiếng Anh : Pig-tailed Macaque
Các tên khác : Khỉ xám,Khỉ tông gô ( Việt ), Tu lình ( Tày ), Khỉ quằng ( Rục ), Bạc khà ( Mường ), Tu lình mín, Tu chún ( Thái ).
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Khỉ Đuôi Lợn là một loài khỉ có kích thước lớn nhất trong giống, dài thân 43 - 69,5 cm , dài đuôi 15 - 23 cm , nặng khoảng 14 kg .
   Khỉ đuôi lợn có 2 bên lông má dài,rậm, màu hung sáng phủ gần kín tai tạo thành đĩa mặt . Ở đỉnh đầu lông màu hung sẫm hoặc xám đen tạp thành "xoáy" toả ra xung quanh giống như chiếc mũ lưỡi trai. Sau trán có một mảng lông hình tam giác màu nâu đậm . Thân phủ lông dài màu xám . Lông đuôi rất ngắn,giống đuôi lợn . Má có túi . Chai mông lớn. Đuôi thường mập phần gốc dựng cong lên phía trên.
Tập tính - sinh thái :
    Khỉ Đuôi Lợn sống thành từng nhóm nhỏ , mỗi đàn từ 15 - 40 cá thể . sinh sản quanh năm,thời gian mang thai khoảng 171 ngày ,mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con,trưởng thành sau 35 tháng .
    Khỉ đuôi lợn hoạt động vào ban ngày, kiếm ăn trên cây và dưới mặt đất ,tối trú ẩn trong các hang đá để ngủ. Thức ăn chủ yếu là trái cây , hạt và chồi non,đặc biệt thích là các loại quả có vị chua chát như : đa,si,bứa,dọc,tai chua....và một số loài động vật nhỏ
Phân bố :
   - Thế giới :Miến điện,Lào, Campuchia, Thái Lan , Malaixia , Inđônêxia
   - Việt Nam : Lào Cai,Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn , Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang ,Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế , Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1c,d





2. Khỉ mốc
Tên khoa học : Macaca assamensis ( M'Clelland,1839 )    - Tên tiếng Anh : Assamese Macaque
Các tên khác : Tu càng,Lình kè,Căng kè, Lình Moòng ( Tày ), Táo binh búa ( Dao,Mán ), Khỉ sấu ( Mường ), Tu lình mín, Lình lum,Lình quai ( Thái ),
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Khỉ Mốc nặng khoảng 6- 11 kg, dài thân 41 - 73,5 cm, dài đuôi 14 - 24,5 cm. Màu lông có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt , nhưng ở vai,gáy,đỉnh đầu và tai thường sáng màu hơn và vàng hơn phía sau chân và đuôi. Lông xung quanh mặt màu đen, hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám. Lông đuôi dài,phần dưới đuôi có màu nhạt hơn phần trên. Hướng của lông ở trên đỉnh đầu rất đặc trưng, mọc rẽ sang phải và sang trái, xoắn ở trên gốc tai . Mào hướng ra phía sau. Có túi má . Chai mông lớn,xung quanh có lông. Đuôi thường mập phần gốc,thẳng và không thon.
Tập tính - sinh thái :
    Khỉ Mốc sống thành bầy đàn từ 10 - 50 con,hoạt động chủ yếu trên mặt đất và các tầng cây cao. Khỉ mốc sinh sản quanh năm, mỗi năm đẻ một lứa,mỗi lứa đẻ một con. So với các loài khỉ Vàng khỉ Mốc hoạt động ít náo nhiệt hơn.
    Khỉ Mốc ăn thực vật, ngoài các loại quả có vị chua chát,nó còn thích ăn cả măng của tre,nứa,vầu...đôi khi chúng còn ăn cả côn trùng và thằn lắn.
    Môi trường sống của chúng là những rừng cây cao trên núi đá, rừng ẩm thường xanh,rừng thưa, rừng tre nứa ...ban ngày chúng xuống đất kiếm ăn, ban đêm chúng trèo lên cành cây hoặc các hốc trên vách đá để ngủ.
Phân bố :
   - Thế giới : Nam và Đông Nam Á
   - Việt Nam : Lào Cai,Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn , Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang ,Quảng Bình.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1c,d





3. Khỉ mặt đỏ
Tên khoa học : Macaca arctoides ( I.Geoffroy,1831 )    - Tên tiếng Anh : Stump-Tailed Macaque
Các tên khác : Khỉ cộc, Khỉ đen, Khỉ gấu ( Việt ), Tu căng, Căng dui ( Tày ),Căng đỉn,Lình càng ( Nùng ), Voọc tộc ( Mường ),Tu căng ( Thái ), Doọc lin ( Bana,Êđê ).
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Khỉ Mặt Đỏ là loài `tương đối lớn, dài thân 48,5 - 70 cm , dài đuôi 30 - 53 cm ,nặng khoảng 16 kg. Màu lông thay đổi từ nâu vàng tới nâu tối hoặc gần như đen. Phần dưới của bụng bao giờ cũng nhạt hơn phía trên. Lưng màu nâu đỏ. Mặt phần lớn có màu đỏ. Lông trên đỉnh đầu thường toả ra các hướng xung quanh. Lông ở hai bên má tỏa ra phía sau. Khỉ Mặt Đỏ có duôi to,ngắn. Dương vật của con đực trưởng thành dài khác thường.Điểm nổi bật là chai mông to,không có lông .
Tập tính - sinh thái :
    Khỉ Mặt Đỏ sống thành bầy đàn,mỗi đàn gồm 40 - 50 cá thể. Chúng sinh sản quanh năm, thời gian động dục từ tháng 2 đến tháng 10, mang thai trong khoảng 170 ngày, mỗi năm đẻ 1 lứa,mỗi lứa đẻ 1 con.
    Khỉ Mặt Đỏ chủ yếu hoạt động trên mặt đất, tính dữ tợn , bạo dạn,khả năng leo trèo và bơi lội tốt. Khỉ Mặt Đỏ sống ở các vùng núi đất ,không gặp ở rừng ngập mặn .Chúng thường chọn những cây đa to mọc bên khe,nằm nghiêng ra giữa lòng khe để làm nơi ngủ.Khi bị hoảng loạn chúng thường nhảy ngay xuống mặt đất , khi đó chúng thường hú ra âm thanh để báo động cho nhau
    Là loài ăn tạp nên thức ăn của Khỉ Mặt Đỏ rất đa dạng ,chúng ăn nhiều loại củ quả như củ mài,củ ấu, quả quắm,hạt sa nhân....đôi khi chúng ăn cả một số động vật nhỏ như giun, ngoé ,nhông...
Phân bố :
   - Thế giới : Nam Trung Quốc, Miến Điện,Lào, Campuchia, Thái Lan.
   - Việt Nam : Lai Châu,Lào Cai, Sơn La, Hà Giang,Cao Bằng, Tuyên Quang,Hoà Bình, Thanh Hóa, , Nghệ An, Hà Tĩnh ,Quảng Bình,Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế , Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1c,d B1+2b,c





4. Khỉ đuôi dài
Tên khoa học : Macaca fascicularis ( Rafles,1821 )    - Tên tiếng Anh : Long-tailed Macaque
Các tên khác : Khỉ ăn cua, Khỉ nước ( Việt ).
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Khỉ Đuôi Dài có 2 phân loài : Khỉ Đuôi Dài Macaca fascicularis  fascicularis  ( Raffles,1821 ) và Khỉ Đuôi Dài Côn Đảo Macaca fascicularis condorensis ( Kloss,1926 ). Về hình thái hai phân loài này tương đối giống nhau ,nhưng mào lông trên đầu Khỉ Đuôi Dài Côn Đảo thì có màu nâu đậm .
   Khỉ Đuôi Dài phân biệt với các loài khỉ khác nhờ có đuôi rất dài ,gần bằng chiều dài của đầu và thân. Trọng lượng cơ thể 5-7 kg , dài thân 50 - 55 cm , dài đuôi 45 - 55 cm . Màu sắc lông có thể biến đổi theo tuổi, thường có màu từ xám nhạt đến nâu đỏ với nửa thân phía bụng sáng hơn. Lông trên đỉnh đầu mọc theo hướng ngược về phía sau,thường tạo thành cái mào nhọn . Con đực có lông dài ở má như râu quai nón và có ria mép .Con cái có lông quanh mồm nhưng thưa hơn . Con non sinh ra có màu đen .Đuôi dài,tròn,to khỏe và mập gốc.
Tập tính - sinh thái :
    Khỉ Đuôi Dài thích sống ở rừng ngập mặn, rừng trên đảo , rừng tre nứa, rừng thường xanh... . Khả năng leo trèo giỏi ,bơi lội tốt, khả năng lặn xuống nước rất lâu,rất thích tắm dưới nước .
   Chúng sống thành bầy đàn từ 10 -40 cá thể,tuổi trưởng thành 50-51 tháng . Thời gian mang thai từ 160 -170 ngày .Thời gian giữa 2 kỳ sinh nở là 13 tháng . Tuổi thọ khoảng 37- 38 năm .
   Thức ăn chủ yếu là quả , hạt , nõn cây ,lá....chúng cũng rất thích bắt cua, tôm, ếch nhái ...
Phân bố :
   - Thế giới : Nam và Đông nam Á
   - Việt Nam : Từ  Thừa Thiên-Huế trở vào tới Kiên Giang
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít nguy cấp : LR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng ít nguy cấp : LR nt





5. Khỉ vàng
Tên khoa học : Macaca mulatta ( Zimmermann,1780 )    - Tên tiếng Anh : Rhesus Macaque
Các tên khác : Khỉ đỏ đít ,Khỉ đàn ( Việt ),Tu lình,Tăng kè ( Tày ), Bộc ( Mường ), Tu lình đeng ( Thái ),Lia pả tra ( H'Mông )
Họ Khỉ : Cecropithecidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Khỉ vàng là loài khỉ phổ biến có bộ lông dày màu nâu vàng . Con trưởng thành mặt có màu đỏ ,mặt thưa lông,túi má lớn. Lông trên đỉnh đầu rất ngắn. Đuôi chúc xuống phía dưới và có chiều dài bằng khoảng một nửa của thân . Nửa thân phía đuôi có màu phớt đỏ tương phản với màu xám của nửa thân phía đầu. Vùng mông ngoài và đùi có màu hung đỏ. Da quanh mông chai màu đỏ, mông tròn, không có lông .
   Khỉ vàng nặng 4-8 kg, dài thân 32 - 62 cm, dài đuôi 13 - 23 cm
Tập tính - sinh thái :
    Khỉ vàng hoạt động ban ngày, trên mặt đất và trên các cành cây . Môi trường sống của Khỉ Vàng là rừng gỗ nhiều tầng trên núi đá dọc theo các con sông,hồ hoặc ven biển , rừng hỗn giao rụng lá ,rừng khộp ...Vùng sống thường ổn định .
    Khỉ vàng sống thành bầy đàn từ 20 - 50 con. Đầu đàn là một con đực to khỏe nhất và quản lý mọi sinh hoạt của đàn . Khỉ trưởng thành khoảng 42 - 48 tháng , thời gian mang thai là 164 ngày , khoảng cách giữa các lần sinh từ 12 - 24 tháng. Tuổi thọ khoảng 29 năm.
    Khỉ vàng là loài ăn tạp . Thức ăn của chúng đa dạng bao gồm : chồi non, các loại quả , hạt, trứng chim và một số loại côn trùng .
Phân bố :
   - Thế giới : Ấn Độ, Afganistan, Nêpan, Miến Điện, Nam Trung Quốc,Lào, Campuchia
   - Việt Nam : Phân bố từ biên giới phía Bắc tới các tỉnh Tây Nguyên.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít nguy cấp : LR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng ít nguy cấp : LR nt





Linh trưởng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng một phần do chúng mất dần sinh cảnh sống , một số loài thực vật là nguồn thức ăn yêu thich của chúng biến mất . Nhưng nguyên nhân chính vẫn là nạn săn bắt của con người đã đẩy số phận các loài linh trưởng Việt Nam đến bờ vực tuyệt diệt . Chúng ta cần phải nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thú quí hiếm . Để Việt Nam luôn là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu đa dạng sinh học trên Thế Giới  các bạn nhé !
Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Thú họ Mèo tại Việt Nam (11/08/2012)
Danh mục các loài Thú Linh Trưởng ở Việt Nam (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Culi ) (17/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Voọc ) (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Vượn ) (17/03/2014)
Xem tiếp
Biodiversity Philately Vietnam - BPV
Đang online:8             
Tổng số truy cập: 3923350