Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Vượn )
Các loài thú Linh trưởng ở Việt Nam
( Phần 4 - Họ Vượn )


      Họ Vượn ( Danh pháp khoa học : Hylobatidae ) là một họ chứa các loài vượn trong bộ Linh Trưởng Primates . Các loài hiện còn sinh tồn được chia làm 4 chi dựa trên số lượng nhiễm sắc thể lưỡng bội của chúng  . Bốn chi gồm : Hylobates , Hoolock , Nomascus , Symphalangus.
      Vượn còn được gọi là Khỉ dạng người loại nhỏ ( Nó khác biệt với các loài Khỉ dạng người loại lớn như Khỉ Đột,Tinh Tinh ,Đười Ươi ... ở chỗ tầm vóc nhỏ hơn và một số đặc điểm cơ thể đặc trưng nhất định như có thể vận động bằng cánh tay ,chuyền từ cành này qua cành khác trong một khoàng cách xa bằng cách đu cây). Điểm khác biệt của Vượn so với các nhóm khác trong bộ Linh Trưởng là chúng không có đuôi, đôi tay rất dài và các ngón tay dài như chiếc móc câu. Chúng hầu như không bao giờ xuống mặt đất . Chúng kiếm ăn trên cây và phần lớn thức ăn là các loại quả chín. Vượn sống theo nhóm gia đình gồm có một cặp đực-cái trưởng thành . Chúng có tập tính phân chia vùng lãnh thổ sinh sống , các gia đình Vượn đánh dấu lãnh thổ của mình bằng hình thức hợp xướng để thông báo với các cá thể vượn khác . Tiếng hú của chúng rất quan trọng trong việc duy trì cuộc sống lứa đôi
     Thế giới có 11 loài vượn .Việt Nam hiện nay chỉ có 5 loài Vượn hiện đang sinh sống ngoài tự nhiên.Tốc độ sinh sản của loài Vượn rất chậm , sự phát triển lại kéo dài . Chính vì thế chúng rất dễ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn tại Việt Nam vẫn đang hoành hành .
     Các loài Vượn rất cần sự bảo vệ của mỗi chúng ta !





1. Vượn Đen Má Trắng
Tên khoa học : Nomacus leucogenys leucogenys ( Ogiby,1840 )    - Tên tiếng Anh : White-Cheeked Gibbon
Các tên khác : Vượn đen bạc má, Vượn hót ( Việt ), Tu quyên ( Tày ), Doọc ( Mường ), Tu chà ní( Thái ).
Họ Vượn : Hylobatidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Vượn Đen Má Trắng thân hình thon gọn . Chân tay dài . Con Đực có màu đen toàn thân , hai má lông màu trắng nối nhau bằng vệt trắng dưới cằm . Con cái có lông màu vàng sẫm, lông quanh mặt tủa ngang , đỉnh đầu màu xám hoặc tua đen . Con cái thường có vòng tròn quanh khuôn mặt màu trắng ,nhưng mảng lông trên má cũng hoàn toàn phân biệt được với phần cổ do có màu sáng hơn . Con non có lông màu vàng nhạt .
   Chiều dài đầu và thân 74 - 89 cm . Trọng lượng 7- 12 kg
Tập tính - sinh thái :
    Vượn Đen Má Trắng sống theo nhóm gia đình nhỏ từ  2 - 4 con . Sinh sản vào lúc 8-9 tuổi . Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con , mang thai 6,5 - 7 tháng .
    Vượn Đen Má Trắng chỉ sống trong các cánh rừng lá rộng thường xanh , nhiều cây gỗ lớn. Đời sống của chúng chủ yếu trên cây .
   Chúng kiếm ăn vào ban ngày ,ban đêm ngủ luôn trên các chạc cây lớn . Thức ăn của chúng  gồm nhiều loài thực vật , trứng chim ,chim non và côn trùng.
Phân bố :
   - Thế giới : Lào
   - Việt Nam : Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình , Thanh Hóa , Nghệ An ... Kon Tum.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d C2a




2. Vượn Đen Má Trắng Siki
Tên khoa học :Nomacus leucogenys Siki ( Delacour ,1951 )    - Tên tiếng Anh : Siki Gibbon
Các tên khác : Vượn Siki
Họ Vượn : Hylobatidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Vượn Đen Má Trắng Siki là phân loài thứ 2 của Vượn Đen Má Trắng .
   Thân hình thon gọn . Chân tay dài . Con Đực có màu đen toàn thân , hai má lông màu trắng hung. Về hình thức bên ngoài nó rất giống với Vượn Đen Má Trắng . Điểm khác biệt là đám lông trắng ở má của con đực của loài này mọc hướng lên phía trên, nhỏ , chỉ cao bằng nửa vành tai  . Con cái có lông màu vàng nhạt, điểm đen trên giữa đỉnh đầu không rõ hoặc rất nhạt .
   Tiếng hú của phân loài Vượn Siki cũng rất khác với tiếng hú của Vượn Đen Má Trắng.
   Chiều dài đầu và thân 74 - 89 cm . Trọng lượng 7- 12 kg
Tập tính - sinh thái :
     Vượn Đen Má Trắng Siki sống theo nhóm gia đình nhỏ từ  2 - 4 con . Sinh sản vào lúc 8-9 tuổi . Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con
    Vượn Đen Má Trắng Siki sống trong rừng cây cao núi đá. Chúng kiếm ăn vào buổi sáng và chiều  ,ban đêm ngủ trên các hốc cây cao . Thức ăn của chúng  gồm chồi non, lá cây và các loại quả rừng.
Phân bố :
   - Thế giới : Lào
   - Việt Nam : Nghệ An, Hà Tĩnh , Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên - Huế .
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam thiếu dẫn liệu : ?



3. Vượn Đen Má Vàng
Tên khoa học : Nomacus gabriellae ( Thomas,1909 )    - Tên tiếng Anh : Yellow-Cheeked Gibbon
Các tên khác : Vượn đen má hung ( Việt )
Họ Vượn : Hylobatidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Vượn Đen Má Vàng thân hình thon , chân tay dài . Con đực có bộ lông màu đen tuyền . Phần ngực có màu hung và không đen như các loài khác . Con đực có mảng lông má màu vàng cam hoặc màu vàng thẫm như được chải ngược ra phía ngoài . Ở con cái , lưng và tay màu vàng thẫm , vàng cam hoặc nâu be . Mào lông màu đen tương phản hoàn toàn với màu lông ở thân với rìa màu sáng hơn . Vành mặt thường có màu vàng nhạt , vành lông này thường không tương phản với màu lông ở cổ và không khép kín .
   Chiều dài đầu và thân 50 - 60 cm . Trọng lượng 6-10 kg
Tập tính - sinh thái :
    Vượn Đen Má Vàng sống theo đàn từ  3-7 con như một gia đình . Sinh sản vào lúc 8-9 tuổi . Thời gian chửa 200 - 215 ngày .Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con.
    Vượn Đen Má Vàng sống trong rừng già ,trên các đỉnh núi cao,thường là núi đá .Di chuyển nhẹ nhàng ,nhanh nhẹn trên cây, ít khi xuống mặt đất .Đêm ngủ tựa ngọn cây cao . Thường hay kêu hú vào sáng sớm.
   Chúng hoạt động kiếm ăn vào ban ngày ,thường là buổi sáng . Thức ăn của chúng  gồm nhiều loại trái cây khác nhau .
Phân bố :
   - Thế giới : Campuchia
   - Việt Nam : Nghệ An, Hà Tĩnh , Quảng Bình, Quảng Trị , Thừa Thiên - Huế .
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d C2a





4. Vượn Đen Tuyền
Tên khoa học : Nomacus concolor  ( Harlan ,1826 )    - Tên tiếng Anh : Westen Back Crested Gibbon
Các tên khác : Vượn cụt đuôi  ( Việt ) ,Tu chao vật  ( Tày ),Tu chà ní ( Thái ) , Chuồi ( Mèo )
Họ Vượn : Hylobatidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Vượn Đen Tuyền thân hình thon mảnh , chân tay dài , không có đuôi . Con đực có bộ lông màu đen tuyền . Một số lông trắng đơn lẻ có thể xuất hiện ở góc mồm.. Trên đỉnh đầu có mào được tạo nên bởi túm lông dựng đứng . Con đực có yết hầu rất nhỏ ,chỉ hiện ra khi nó cất tiếng hú . Con cái có màu vàng da bò ,có mảng lông đen hoặc nâu thẫm trên ngực và đôi khi cả ở trên bụng . Chỏm đầu đen và vệt đen kéo dài đến gáy .
   Chiều dài đầu và thân 55 - 65 cm . Trọng lượng 7-10 kg
Tập tính - sinh thái :
    Vượn Đen Tuyền  sống thành từng nhóm nhỏ như một gia đình .Gồm một con đực già và 1-2 con cái . Sinh sản vào năm thứ 7-8 . Thời gian chửa 7-8 tháng .Mỗi năm đẻ 1 lứa , mỗi lứa đẻ 1 con.
    Vượn Đen Tuyền kiếm ăn trên cao . Thường hay kêu hú vào sáng sớm. Sinh cảnh sống của chúng là các cánh rừng nguyên sinh. Chúng hoạt động kiếm ăn vào buổi sáng và chiều . Buổi tối chúng ngủ trên các chạc cây cổ thụ. Thức ăn của chúng  gồm nhiều loại trái cây , chồi non, côn trùng , trứng chim và chim non.
Phân bố :
   - Thế giới : Nam Trung Quốc , Bắc Lào
   - Việt Nam : Tây Bắc Việt Nam ,Bắc Kạn , Quảng Ninh , Thanh Hóa.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d C2a





5. Vượn Cao Vít
Tên khoa học : Nomacus nasutus ( Kunkel D'Herculais ,1884  )    - Tên tiếng Anh : Eastern Back Crested Gibbon
Các tên khác : Vượn đen Hải Nam, Vượn Đen Đông bắc ( Việt )  , Tu cáo vịt ( Tày ) , Tu quênh ( Dao )
Họ Vượn : Hylobatidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Loài này có hình dáng rất giống với Vượn Đen Tuyền nhưng khác nhau về vùng phân bố địa lý .
   Toàn thân Vượn Cao Vít màu đen , ngoại trừ có một số sợi lông màu trắng ở khóe miệng . Trên đỉnh đầu có mào hình thành từ túm lông dựng đứng . Con cái màu vàng hung .
   Chiều dài đầu và thân 47 - 50 cm . Trọng lượng 7- 10 kg
Tập tính - sinh thái :
    Vượn Cao Vít sống theo đàn nhỏ từ 2-4 con gồm các thế hệ . Sinh hoạt chủ yếu trên cây .Khi di chuyển chúng dùng hai chân đạp , đẩy người đu ra xa và hai tay bám lấy cành mới . Khi uống nước chúng choài ra các cành là là sát mặt hồ ,chúng móc chân vào cành, đu người xuống và lấy tay vục nước đưa vào miệng . Vượn Cao Vít không biết bơi .
    Vượn Cao Vít chủ yếu ăn thực vật, hoa quả , chồi non...đôi khi đói chúng ăn cả trứng chim và côn trùng .
Phân bố :
   - Thế giới : Đảo Hải Nam - Trung Quốc
   - Việt Nam :Cao Bằng.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam thiếu dẫn liệu : ?




6. Vượn Tay Trắng
Tên khoa học : Hylobates lar ( Linnaeus , 1771  )    - Tên tiếng Anh :Lar Gibbon
Các tên khác : Vượn tay trắng Phú Quốc.
Họ Vượn : Hylobatidae     -     Bộ Linh trưởng : Primates
Đặc điểm nhận dạng :
   Vượn Tay Trắng có thân hình giống như Vượn Đen ,khác là ở chỗ con đực có bàn chân và tay màu trắng ,xung quanh mặt viền lông trắng hoặc vàng nhạt .Ở con cái , thân mình phủ lớp lông màu vàng be , xung quanh mặt trắng
   Chiều dài đầu và thân 74 - 89 cm . Trọng lượng 7- 12 kg
Tập tính - sinh thái :
    Vượn Tay Trắng sống trong các rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh hoặc thứ sinh, chúng chủ yếu sống trên cây . Chúng là loài động vật tinh khôn nhất trong họ vượn . Sinh sản chậm,hai năm mới đẻ một lứa ,mỗi lứa đẻ chỉ duy nhất 1 con.
    Vượn Tay Trắng ăn chủ yếu là quả rừng và các nõn cây
Phân bố :
   - Thế giới : Thái Lan, Lào,Campuchia , Myanma , Malaysia , Trung Quốc .
   - Việt Nam : Phú Quốc ( Có khả năng đã tuyệt chủng - Thiếu số liệu nghiên cứu )
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam không đề cập vì có khả năng loài này đã tuyệt chủng hoàn toàn ngoài tự nhiên tại Việt Nam





* Lưu ý : Tên của Vượn mới được thay từ Hylobates thành Nomascus ( Gibbon names have recently changed from Hylobates to Nomascus )
Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Thú họ Mèo tại Việt Nam (11/08/2012)
Danh mục các loài Thú Linh Trưởng ở Việt Nam (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Culi ) (17/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Khỉ ) (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Voọc ) (18/03/2014)
Xem tiếp
Biodiversity Philately Vietnam - BPV
Đang online:4             
Tổng số truy cập: 3599563