Các loài chim bộ Gà họ Trĩ Việt Nam
Chim họ Trĩ ( danh pháp khoa học Phasianidae ) là một trong những họ chim lớn thuộc bộ Gà Galliformes chứa từ 38 - 53 chi với khoảng gần 180 loài ( tùy quan điểm phân loại ). Họ Trĩ đôi khi còn được tách ra thành 2 phân họ : - Phân họ Trĩ ( Phasianidae ) chứa gần 60 loài chim gồm Trĩ, Công, Gà lôi, Gà tiền, Gà rừng... - Phân họ Gà Gô ( Perdicinae ) chứa hơn 120 loài gồm Cút, Gà gô, Gà so, Đa đa... - Đôi khi các họ bổ xung cũng được coi là một phần của họ này . Ví dụ : thời gian gần đây nhiều Hiệp hội điểu học còn gộp họ Gà Tây ( Meleagrididae ) , họ Gà Thông ( Tetraonidae ) và họ Gà Phi ( Numinidae ) vào trong họ Phasianidae
Chim họ Trĩ được liệt vào nhóm Chim Lông đẹp, chúng sống thành bầy đàn theo kiểu đa thê, chim trống thường đẹp hơn chim mái . Vào mùa sinh sản ,chim trống thường khoe mẽ bằng tiếng gáy, dựng mào, xòe đuôi biểu diễn vũ điệu để thu hút chim mái.
Tại Việt Nam có gần 40 loài chim họ Trĩ đang sống ngoài tự nhiên. Rất nhiều loài trong số đó là loài đặc hữu của Việt Nam, do là loài chim lông đẹp nên chúng bị con người săn bắt ráo diết dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Chúng rất cần sự che chở ,bảo vệ của chúng ta. Một số loài chim họ trĩ đã được con người thuần dưỡng thành chim cảnh , một số khác được chăn nuôi thành gia cầm phục vụ đời sống con người .
Nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu về các loài chim họ Trĩ đang sinh sống ngoài sinh cảnh tự nhiên ở Việt Nam !
1. Gà rừng
Tên khoa học : Gallus gallus ( Linnaeus,1758 ) - Tên tiếng Anh : Red Junglefowl Các tên khác : Gà rừng lông đỏ, Gà ri, Gà cỏ( Kinh ),Gá ( Mường ), Cáy dông ( Tày ), Cáy pá, Cáy thướn ( Thái ) , No chay ( Mán ) Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà trống : dài khoảng 43 - 76 cm , đuôi gà trống dài khoảng 25 -28 cm. Nặng 1-1,5 kg.Gà rừng có da mặt đỏ , mào gà trống thường to hơn màu gà mái. Phần lông đầu, cổ,lưng trên chuyển mầu từ nâu đỏ sẫm đến vàng cam. Gà trống có lông bao cánh lớn, lông tam cấp màu xanh cửu long đậm,bóng,óng ánh,phần còn lại của cánh mâu hạt dẻ, các lông sơ cấp màu đen, hông đỏ da cam,đuôi và lông bao trên đuôi màu xanh ánh kim loại, trên lưng có chùm lông tơ màu trắng.Chân màu xám chì Gà mái : Da mặt đỏ , đỉnh đầu và gáy màu nâu đỏ , cổ có vạch nâu hoặc vàng nâu ,phần lưng và sườn có vằn mầu nâu tối , ngực nâu hại giẻ Tập tính - sinh thái : Gà rừng là loài định cư phổ biến , sống thành bầy đàn ở các vùng rừng thứ sinh, gần nương rấy hay rừng pha tre nứa. Hoạt động chủ yếu vào hai thời điểm trong ngày là sáng sớm và xế chiều .Gà thích trốn ngủ trong các bụi tre ,nứa. Gà rừng ăn các loại quả mềm, hạt nhỏ, các loại động vật nhỏ như giun,ngóe và một số côn trùng như mối,kiến,dế mèn ,châu chấu... Phân bố : - Thế giới : Nam Trung Quốc, Miến Điện,Lào,Campuchia - Việt Nam : Gà rừng được coi như tổ tiên của giống gà nhà, chúng có mặt ở khắp các tỉnh miền núi và trung du. Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít lo ngại : LC - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam không đề cập
2. Trĩ đỏ
Tên khoa học : Phasianus colchicus ( Linnaeus,1758 ) - Tên tiếng Anh : Common Pheasant. Các tên khác : Trĩ khoang ( Kinh ) ,Nộc cay ( Tày ) . Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Chim Trĩ đỏ có 2 phân loài : Trĩ đỏ khoang cổ Phasianus colchicus takatsukasae ( Delacour,1927 ) và Trĩ đỏ Phasianus colchicus rothschildi ( La touche,1921 ) . Chim trĩ đỏ trống có chiều dài 60 - 80 cm, đuôi trĩ trống dài khoảng 50 cm. Nặng khoảng 1,5 kg.Chim trĩ đỏ trống có da trần quanh mặt mầu đỏ tươi, đỉnh đầu có mào lông ngắn , gáy nâu ánh xanh . Trán,cằm,họng cổ và trước cổ đen ánh xanh lục hoặc tím ( tùy góc nhìn ). Dưới cổ có vòng trắng . Các phần còn lại của cơ thể nhìn chung có mầu nâu hung đỏ và nâu vàng, với các vằn hung nâu nhạt và chấm đen xen kẽ không đều, phần dưới cơ thể có màu tối hơn,đặc biệt là ở ngực . Mắt nâu, mỏ xám ,chân màu xám sừng . Chim mái có màu nâu, bụng nâu vàng,đuôi ngắn,màu lông không đuợc rực rỡ như chim trống Tập tính - sinh thái : Trĩ đỏ sống định cư ở các savan, đồi cây bụi,nơi có nhiều cỏ tranh và guột, không sống trong rừng .Kiếm ăn từ sáng sớm tới xế chiều, tối đến Trĩ đỏ ngủ trong các lùm cây thưa. Chúng sống thành đàn nhỏ 3-5 con. Mùa sinh sản của chúng từ tháng 2 đến tháng 7 , mỗi lứa đẻ 7- 8 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 23 ngày . Thức ăn của Trĩ đỏ chủ yếu là hạu ngũ cốc ,giun,mối , kiến và một số côn trùng khác . Phân bố : - Thế giới : Nam Trung Quốc, Châu Âu , Châu Mỹ - Việt Nam : Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái.Bắc Kạn Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít lo ngại : LC - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN B1+2a,b,d C2a
3. Gà lôi hồng tía
Tên khoa học : Lophura diardi ( Bonaparte,1856 ) - Tên tiếng Anh : Siamese Fireback Các tên khác : Pờ xăm ác ( Ba Na ) Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Chim trống : Gà Lôi hồng tía là một loài chim có dáng đẹp, dài khoảng 61 - 81 cm, nặng khoảng 1,5 kg .Con đực trưởng thành đầu và họng màu đen,trên đầu có mào lông dài màu xanh ánh thép,phần dưới bụng có màu vàng kim loại, hông và lông bao đuôi màu hạt dẻ, đuôi cong dài hình lưỡi liềm có màu xanh ánh thép,phần còn lại có cổ và ngực màu xám,phía bụng có màu đen. Chim mái: Đầu ,họng và cổ màu nâu xám,lưng trên và phần dưới cơ thể màu nâu hung,bụng màu trắng nhạt,phần còn lại của mặt trên cơ thể có vằn đen và trắng phớt nâu, các lông đuôi ngoài có màu hạt dẻ . Tập tính - sinh thái : Gà Lôi hồng tía thường sống ở vùng rừng nguyên sinh, thứ sinh,bìa rừng , đặc biệt là các rừng cây họ dầu. Chúng sống thành đàn nhỏ từ 3-5 con.Chim non trưởng thành bắt đầu sinh sản vào năm thứ 3, mỗi lứa đẻ từ 5-6 trứng . Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại hạt lương thực , côn trùng, giun đất... Phân bố : - Thế giới : Lào,Campuchia,Thái Lan - Việt Nam : Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Khánh Hòa , Đồng Nai, Tây Ninh. Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1a,c C2a
4. Gà lôi trắng
Tên khoa học : Lophura nycthemera ( Linnaeus,1756 ) - Tên tiếng Anh : Silver Pheasant Các tên khác : Trĩ bạc ( Việt ) , Nộc thoa ( Tày ), Nộc khoa ( Thái ). Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà lôi trắng có 5 phân loài : Trĩ bạc Lophura n. nycthemera ( Linnaeus,1758 ), Gà lôi trắng bô li Lophura nycthemera beaulieuri ( Delacour,1948 ) , Gà lôi berli Lophura nycthemera berliozi ( Delacour và Jabouille,1928 ) , Gà lôi beli Lophura nycthemera beli ( Oustalet,1898 ) , Gà lôi vằn lưng Lophura nycthemera annamensis ( Ogilvie Grant ,1096 ) Trong số đó ,hai phân loài là Gà lôi Beli và Gà lôi vằn là loài đặc hữu của Việt Nam Chim trống dài khoảng 50 - 125 cm ( riêng phần lông đuôi có thể đạt khoảng 75 cm ) . Chim trống có đầu, mào lông, cổ,ngực và bụng màu đen, Lưng và đuôi màu trắng vân đen,các vân này tăng giảm theo từng phân loài.. Mắt đỏ nâu, da trần quanh mắt đỏ,chân đỏ gạch. Chim mái có bộ lông màu nâu, mào cong màu nâu đen,da mặt đỏ, chân đỏ. Tập tính - sinh thái : Gà lôi trắng là loài định cư tương đối phổ biến ở rừng, đặc biệt thích sống ở rừng gỗ thưa pha tre nứa . Chúng sống thành từng đàn 5-7 con và hoạt động trong một vùng nhất định, chúng thường kiếm ăn vào buổi sáng và chiều trên các đường mòn, đêm trèo lên trên các bụi giang ngủ . Thức ăn chủ yếu của gà lôi trắng là các loại quả nhỏ, các loại hạt lương thực như thóc ngô, ngoài ra chúng còn ăn côn trùng và các loại động vật nhỏ . Gà lôi trắng sinh sản vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 , mỗi lứa đẻ từ 5 -10 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 26 ngày Phân bố : - Thế giới : Nam Trung Quốc, Thái Lan,Lào,Campuchia, Mianma - Việt Nam : Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn,Hà Bắc , Quảng Ninh,Từ Lai Châu đến Hà Tĩnh, từ nam Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk , Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé... Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít lo ngại : LC - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng ít nguy cấp : LR cd
5. Gà lôi vằn
Tên khoa học : Lophura nycthemera annamensis ( Ogilvie Grant ,1096 ) Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà lôi vằn là một phân loài của Gà lôi trắng, là một loài chim đặc hữu quí hiếm của Việt Nam. Điểm đặc biệt của Gà lôi vằn là mật độ vằn đen nhiều hơn Gà lôi trắng khiến nhìn xa tưởng lông chúng có màu xám. Tập tính - sinh thái : Về cơ bản Gà lôi vằn có tập tính giống với Gà lôi trắng Phân bố : - Thế giới : Từ Việt Nam chim chạy sang biên giới Lào ,Thái Lan - Việt Nam : Nam Trung Bộ và Đông Bắc Nam Bộ Tình trạng bảo tồn : - Thế giới : Sách đỏ IUCN chưa cập nhật - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam chưa bổ xung, nhưng loài chim quí hiếm này đang bị đe dọa ở mức T. Cấm săn bắt.
6. Gà lôi lam mào đen
Tên khoa học : Lophura Imperialis ( Delacour & Jabouille,1924 ) - Tên tiếng Anh : Imperiali Pheasant Các tên khác : Gà lôi lam Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà lôi lam mào đen được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1923 , đây là loài chim đặc hữu của Việt Nam Chim trống trưởng thành có kích thước dài 61 -76 cm, toàn lông lưng có màu xanh lam thẫm. Mào lông ở gáy màu lam đen. Lưng ,cánh và đuôi màu đen,mép lông màu lam ánh thép. Hai lông đuôi ở giữa nhọn ,dài và ngắn dần ở các đôi hai bên.Da trần quanh mặt đỏ tía tạo thành 2 thùy nhỏ ở hai bên trán , mắt màu đỏ da cam, mỏ màu lục vàng nhạt hay màu sừng , chân màu đỏ tía . Chim mái mào ngắn, bộ lông màu hung nâu với nhiều vạch hẹp màu nâu ở lưng và nhạt hơn ở dưới bụng. Các lông đuôi giữa và lông cánh thứ cấp nổi rõ vân lăn tăn màu nâu sẫm, lông đuôi ngoài cùng màu đen Tập tính - sinh thái : Gà Lôi lam mào đen sống trong các khu rừng thứ sinh , rừng hỗn giao gồm có tre,nứa và các cây lá cọ . Thức ăn của chúng là các loại quả, hạt trong rừng và côn trùng . Mùa sinh sản của chúng vào khoảng tháng 6 , mỗi lứa đẻ khoảng 5 -7 trứng, ấp trứng trong khoảng 25 ngày. Phân bố : - Thế giới : Có khả năng sẽ có ở biên giới Việt Lào - Việt Nam :Quảng Bình, Quảng Trị, phía nam tỉnh Hà Tĩnh Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng thiếu dữ liệu đánh giá : NE - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR A1b,c,d B1+2c,e C2a
7. Gà lôi lam mào trắng
Tên khoa học : Lophura Edwardsi ( Oustalet,1896 ) - Tên tiếng Anh : Edwards's Pheasant Các tên khác : Gà lôi mào trắng Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà lôi lam mào trắng là loài chim đặc hữu của Việt Nam Chim trống có chiều dài khoảng 61 cm, khi trưởng thành mào lông trên đầu chim trống có màu trắng, toàn bộ thân chim đều được bao phủ bởi lông màu xanh lam thẫm, lông đuôi màu lam ánh thép. Da trần quanh mặt màu đỏ , mỏ màu vàng rêu nhạt, chân màu đỏ tía . Chim mái mào ngắn, bộ lông màu nâu hung tối với nhiều vạch hẹp màu nâu ở lưng và nhạt hơn ở dưới bụng, lông đuôi ngoài cùng màu đen. Mỏ màu nâu sừng.Da mặt và chân màu đỏ thẫm. Tập tính - sinh thái : Gà Lôi lam mào trắng sống trong các khu rừng rậm, rừng nguyên sinh. Chúng sống theo từng nhóm nhỏ từ 3-5 con , sinh sản vào tháng 8 ,mỗi lứa đẻ từ 4 -7 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 21 ngày . Thức ăn chính của Gà lôi mào trắng là côn trùng, giun đất, các loại hạt và quả trong rừng. Ban ngày chúng bới dưới đất kiếm ăn,ban đêm chúng lên các cành cây đậu ngủ Phân bố : - Thế giới : Là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam - Việt Nam :Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN B1+ 2b,c,d,e C1+2a
8. Gà lôi lam đuôi trắng
Tên khoa học : Lophura hatinhensis ( Vo Quy & Do Ngoc Quang,1975 ) - Tên tiếng Anh : Vietnamese Pheasant Các tên khác : Gà lôi Hà Tĩnh , Gà Lừng ( Kinh ) Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà lôi lam đuôi trắng có kích thước khoảng 58 - 65 cm. Chim trống toàn thân màu xanh lam đậm,mào lông trên đỉnh đầu màu trắng mút lông đen. Đầu ,cổ,ngực và trên đuôi đen có ánh tím thẫm, lông cánh đen, bao cánh đen có ánh xanh. Đuôi đen ánh thép và có 4 lông ở giữa màu trắng.chân đỏ, da mặt đỏ , mỏ màu nâu sừng Chim mái bộ lông có màu hung nâu tối,chân đỏ,da mặt đỏ, mỏ đen sừng Tập tính - sinh thái : Gà Lôi lam đuôi trắng sống trong rừng thường sinh, nguyên sinh và thứ sinh trên vùng địa hình rừng núi thấp. Sáng chúng kiếm thức ăn trên mặt đất, tối bay lên cây để ngủ . Thức ăn của chúng là chuối chín, hạt ngô,hạt thóc, côn trùng và giun... Mùa sinh sản của chúng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 , mỗi lứa đẻ từ 5-7 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 23 ngày Phân bố : - Thế giới : Là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam - Việt Nam : Hà Tĩnh,Quảng Bình Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN B1+ 2b,c,d,e C1+2a
9. Gà lôi tía
Tên khoa học : Tragopan Temminckii ( Gray,1831 ) - Tên tiếng Anh : Temminck's Tragopan Các tên khác : Gà tía đỏ Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà lôi tía có vóc dáng béo mập Con trống trưởng thành có màu lông đỏ lửa , đỏ nâu lẫn đen. Da quanh mắt màu xanh hơi thẫm,yếm xanh da trần thẫm hơi phớt vàng có chấm đỏ. Trán , trước mắt,sau mắt ,phần trước của mào ,lông ở gáy, hai bên đầu,quanh yếm cổ màu đen. Lưng có sao tròn nâu nhạt viền đen. Lông cánh đen nhạt,có vằn và có vệt màu hung đỏ. Mặt dưới cơ thể màu nâu sáng, đuôi nâu hung vàng nhạt có chấm và vạch đen . Chim mái bộ lông cũng có đốm như chim trống, nhưng màu sắc không được rực rỡ bằng, cả chim trống và chim mái đều có mỏ đen, mắt nâu, chân màu hồng . Tập tính - sinh thái : Gà Lôi ltía sống trong rừng thường sinh rậm,rừng thứ sinh. Điều khác biệt của loài chim này so với các loại chim họ Trĩ khác là chúng làm tổ trên cây . Chúng sống thành từng bầy nhỏ . Vào mùa sinh sản,chim trống thường gáy nhẹ, thể hiện vũ điệu bằng cách nhảy múa và bành chiếc yếm xanh trước cổ ra chinh phục chim mái. Mùa sinh sản của chúng vào khoảng tháng 4,mỗi lứa đẻ 3-5 trứng . Thức ăn của chúng là các loại quả trên cây, hạt,côn trùng và giun đất ... Phân bố : - Thế giới : Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. - Việt Nam : Lào Cai, Yên Bái Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng nguy cấp : EN - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng cực kỳ nguy cấp : CR A1a,c,d C2a
10. Gà tiền mặt đỏ
Tên khoa học : Polyplectron germaini ( Elliot,1866 ) - Tên tiếng Anh : Germain's Peacock Pheasant Các tên khác : Gà sao, Công đất ( Kinh ), Nộc quang quả ( Tày ), Nộc poong pốt ( Thái ) Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà tiền mặt đỏ có kích thước thân 48 - 55 cm, đuôi dài tới 34 cm.Chim trống trưởng thành không có mào . Da trần quanh mặt màu đỏ. Bộ lông màu gụ thẫm, các sao màu lục biếc rất rõ. Đầu,họng dưới, cổ đốm trắng xám, họng màu trắng, phần dưới điểm nâu với chóp mút hung da bò . Cánh,bao cánh có vành sao rộng ở cuối màẽtanh tím vi-ô-lét . Bụng xám đen. Lông bao đuôi và lông giữa không có điểm đen, mút lông đuôi có vạch nâu không đều và có màu vàng nhạt. Giò có một cựa , mỏ nâu sừng , mắt nâu, chân xám chì. Chim mái nhỏ hơn chim trống và có màu lông sẫm hơn. Tập tính - sinh thái : Gà tiền mặt đỏ sống ở rừng thường xanh và bán thường xanh, ban ngày xuống đất kiếm ăn , ban đêm bay lên cây ngủ . Vào mùa sinh sản,chim trống thường chọn một khoảng đất trống kêu tiếng gù gù đặc trưng và xòe đuôi múa thu hút chim mái .Mùa sinh sản của chúng là vào dịp xuân hè, mỗi lứa đẻ 3-4 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 22 ngày . Thức ăn của chúng là các loại hạt, quả chín , giun, dế, châu chấu, sâu bọ. Phân bố : - Thế giới : Campuchia. - Việt Nam : Bình Định, Đồng Nai, Khánh Hòa , Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk ,Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước , Đồng Nai . Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng gần bị đe dọa : NT - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1a,c C2a
11. Gà tiền mặt vàng
Tên khoa học : Polyplectron bicalcarratum ( Linnaeus,1758 ) - Tên tiếng Anh : Grey Peacock Pheasant Các tên khác : Gà sao, Công xám ( Kinh ), Nộc quang quả ( Tày ). Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Gà tiền mặt vàng có 2 phân loài : Phân loài Polyplectron bicalcarratum bicalcarratum ( Linnaeus,1758 ) và phân loài Polyplectron bicalcarratum ghiggi ( Delacour & Jabouille,1924 ) Trong đó phân loài Polyplectron bicalcarratum ghiggi là loài đặc hữu của Việt Nam. Gà tiền mặt vàng có chiều dài thân khoảng 56-60 cm, chiều dài đuôi tới 42 cm . Chim trống trưởng thành có màu xám tro hơi nâu,bộ lông với các vệt và đốm trắng nhạt tới đỏ da bò , các đốm tròn hình đồng tiền màu xanh đen bóng và tím than trên cánh và đuôi, da quanh mặt vàng phớt hồng , họng trắng nhạt, đỉnh đầu có mào lông dày . Trên cánh có những sao tròn màu xanh lam óng ánh, Lông đuôi cũng có những sao dạng bầu dục màu lục xanh biếc . Mỗi đôi sao được xếp theo hàng ngang. Mỏ đen , mỗi chân cá biệt có 2 cựa tổng cộng là có 4 cựa màu xám đen. Chim mái tương tự chim trống nhưng kích cỡ nhỏ hơn, màu lông xỉn hơn . Da mặt màu hồng thịt . Những sao trên cánh nhỏ và đen hơn, ánh sao không lóng lánh bằng chim trống , đuôi ngắn hơn chim trống, Tập tính - sinh thái : Gà tiền mặt vàng sống đơn hoặc sống đôi trong các khu rừng thường xanh ẩm ướt , rậm rạp, rừng hỗn giao xen kẽ tre,nứa ,lá, dọc các khe suối, thung lũng và trên sườn các núi đá vôi. Ban ngày chúng xuống đất kiếm thức ăn, thức ăn của chúng chủ yếu là giun, ốc sên, một số loại hạt và quả mềm . Ban đêm chúng bay đậu trên các cành cây để ngủ cho an toàn . Mùa sinh sản của Gà tiền mặt vàng kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7. Mỗi lứa đẻ từ 2-3 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 21 ngày Phân bố : - Thế giới : Tây nam Trung Quốc, Đông bắc Ấn Độ, Pakistan, Đông Dương. - Việt Nam : Tây Bắc và Trung Bộ kéo dài từ Đông Bắc đến Quảng Nam ,Đà Nẵng Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít lo ngại : LC - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1a,c,d C2a
12. Công
Tên khoa học : Pavo munticus imperator ( Delacour,1949 ) - Tên tiếng Anh : Green Peafowl Các tên khác : Công xanh, Cuông ( Kinh ), Nộc dùng ( Tày ). Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Công là loài chim có kích cỡ lớn nhất trong chim họ nhà Trĩ . Chiều dài từ 101 - 244 cm, và là một trong những loài chim lông đẹp nhất trong số các loài chim. Công trống trưởng thành có bộ lông màu lục ánh thép , đuôi rất dài màu lục ánh đồng , lông bao đuôi trên phát triển thành lông trang hoàng dài tới 150 cm , khi múa công trống xoè đuôi ra tạo hình nan quạt thẳng đứng. Mào dài , hẹp , có dạng chiếc lá và vươn lên trên cao. Da mặt màu vàng và xanh, mắt nâu, mỏ xám sừng, giò xám thẫm ánh xanh,chân có cựa. Công mái có màu sắc tương tự nhưng đuôi ngắn. Tập tính - sinh thái : Công sống trong rừng thưa , nơi có nhiều vạt cỏ và những khoảng đất trống . Công làm tổ đơn giản ngay trên mặt đất nhưng ở nơi kín đáo và khô ráo. Vào mùa giao phối ,công trống thường chọn những khoảng đất trống ,xoè đuôi múa khoe mễ và kêu những tiếng kêu the thé để mời gọi công mái. Công mái sinh sản vào khoảng tháng 6, mỗi lứa đẻ 3-5 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 25 ngày. Thức ăn chủ yếu của loài công là các loại quả chín và hạt ngũ cốc. Đôi khi chúng thích ăn cào cào, châu chấu, giun, dế , nhái và ngoé... Phân bố - Thế giới : Vân nam Trung Quốc, Đông Mianma, Lào , Campuchia, Thái Lan - Việt Nam : Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk , Lâm Đồng, Bình Phước , Đồng Nai... Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1a,c,d C2a
13. Trĩ sao
Tên khoa học : Rheinardia ocellata ( Elliot,1871 ) - Tên tiếng Anh : Crested Argus Các tên khác : Chim trĩ ( Kinh ), Kờ vâng ( Ba Na ). Họ Trĩ : Phasianidae - Bộ Gà : Galliformes Đặc điểm nhận dạng : Trĩ sao là một loài chim có kích thước lớn trong họ nhà Trĩ, chiều dài thân 190 - 240 cm , đuôi dài tới 175 cm. Chim trống trưởng thành có mào lông ở đỉnh đầu dài tới 6 cm ,màu nâu tối với chấm trắng nâu hung đen. Lông mày rậm kếo dài màu trắng . ,Mặt lưng đuôi màu nâu thẫm đôi chỗ phớt hung. Mặt bụng gần giống lưng nhưng nhiều màu hung thẫm hơn . Đuôi dài,hai lông đuôi giữa phát triển . Họng trên màu trắng nhạt . Giò nâu thẫm phớt hồng,chân màu xám,có cựa Chim mái tương tự như chim trống nhưng kích thước nhỏ hơn, mào lông cũng thưa và ngắn hơn, đuôi ngắn và không có hai lông đuôi giữa dài như chim trống . Lông của chim mái màu thẫm phớt hung, mỗi lông có nhiều vằn đen ngang. Mặt bụng lấm chấm đen . Lông đuôi ngắn và không có chấm . Mắt nâu, mỏ hồng, chân nâu phớt hồng. Tập tính - sinh thái : Trĩ sao chủ yếu sống ở rừng kín thường xanh trên núi đất . Kiếm ăn vào ban ngày. Sinh sản vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 . Vào mùa kết đôi,các con Trĩ sao trống thường tập trung ở khoảng đất trống trong rừng, thi nhau múa ,kêu những tiếng kêu vang xa để mời gọi chim mái. Chim mái chỉ đẻ 2 - 3 trứng mỗi lứa , thời gian ấp trứng khoảng 24 ngày. Thức ăn của Trĩ sao là các loại quả rừng mềm, hạt cỏ, ngoài ra chúng còn ăn thêm côn trùng, giun đất Phân bố - Thế giới : Lào, Malaixia - Việt Nam : Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế , Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định , Phú Yên, Khánh Hòa,Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng Tình trạng bảo tồn : - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sắp nguy cấp : VU A1b,c,d
Chim họ Trĩ là những loài chim đẹp và đặc biệt quí hiếm . Hiện nay số lượng những loài này chỉ còn lại rất ít ngoài tự nhiên,do sinh cảnh sống ngày càng bị thu hẹp cũng như sự săn bắn vô ý thức của con người. Là một công dân của trái đất,chúng ta hãy hành động tích cực để bảo vệ họ chim này khỏi nguy cơ tuyệt chủng các ban nhé !
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cảm ơn các ban đã ghé thăm website www.biophilavn.com . Mong nhận được nhiều hơn nữa sự cộng tác cũng như sự ủng hộ từ các bạn |