Thú họ Mèo tại Việt Nam
Các loài thú Họ Mèo tại Việt Nam

Thú họ nhà Mèo ( Felidae ) nằm trong chín họ thuộc Bộ ăn thịt Carnivora . Trên thế giới - Họ nhà Mèo có 17 giống với 37 loài . So với các loài thú ăn thịt khác chúng chuyên hóa hơn cả , vuốt rụt được , mõm ngắn, răng xé thịt đặc biệt phát triển, mắt nhìn tinh ,khoang thính giác lớn được phân chia bởi hai vách ngăn . Săn mồi bằng cách rình mồi,bắt mồi bằng cách vồ .
Các loài thú họ Mèo sinh sống trên mọi lục địa, trừ châu Úc.
Ở Việt Nam có 8 loài thú họ nhà Mèo sinh sống trong tự nhiên, chúng sống ở nhiều kiểu rừng khác nhau. Hầu hết các loài thú họ Mèo tại Việt Nam đang trong tình trạng nguy cấp rất cần được bảo vệ .


                          Nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu về 8 loài thú họ Mèo tại Việt Nam !





1. Hổ Đông Dương

Tên khoa học : Panthera tigris corbeti ( Mazak,1968 )    - Tên tiếng Anh : Tiger
Các tên khác :Hổ , Cọp, Khái, Hùm, Tu xưa, Xưa cạp tào ( Lào ), Xưa chúng ( Thái ), Tu khán ( Mường ).
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
   Hổ là loài có kích cỡ lớn nhất trong họ Mèo tại Việt Nam; Chiều dài đầu và thân : 170 - 230 cm , chiều dài đuôi : 90 - 120 cm; Cân nặng :200 - 250 kg . Nền lông vàng hoặc vàng sáng, lông bụng trắng , mặt và thân có nhiều vằn đen khiến chúng không thể nhầm được với các loài khác . Thế giới có 8 phân loài Hổ, 3 trong số đó đã hoàn toàn tuyệt chủng, 5 phân loài Hổ còn lại có nguy cơ bị biến mất do sự săn bắt của con người .Hổ Việt Nam thuộc phân loài Hổ Đông Dương có kích thước nhỏ hơn các phân loài khác .
Tập tính - sinh thái :
    Hổ hoạt động chủ yếu trên mặt đất, mỗi cá thể chiếm một vùng lãnh thổ riêng ,nhưng chúng không sống cố định lâu ở một vùng mà thường di chuyển,chúng kiếm ăn đơn lẻ trừ mùa sinh sản ,hay khi con mẹ đang nuôi con. Thức ăn của Hổ đa dạng gồm các loài thú móng guốc, thú nhỏ,chim,bò sát,đôi khi cả cá...
     Hổ giao phối quanh năm, nhưng tập trung vào một số tháng nhất định. Thời gian mang thai khoảng 100 ngày , mỗi lứa đẻ từ 2-3 con ,hổ con sống tách mẹ khi được 18 -28 tháng tuổi. Hổ cái sinh sản ở 3-4 năm tuổi, hổ đực trưởng thành muộn hơn 4-6 năm tuổi .
Phân bố :
   - Thế giới : Băngladet , Mianma,Inđônêxia, Malayxia,Tháilan,Lào, Campuchia...
   - Việt Nam : Lai Châu , Lào Cai ,Bắc Kạn, Phú Yên, Khánh Hoà ,Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Biên Hòa...
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng Nguy cấp : EN
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng rất nguy cấp :CR A1d C1+2a




2. Báo lửa

Tên khoa học : Catopuma temminckii ( Vigors and Horsfield,1827 )    - Tên tiếng Anh : Asian Golden Cat
Các tên khác : Beo, Hên phiên, Tu cúng ( Tày ), Xưa phon ( Thái ) , Củm ( Mường ), Thò bẻn ( Dao ).
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
   Bộ lông Báo lửa có màu cam đỏ da bò,đôi khi là xám tro hay nâu hung,không có hoạ tiết vằn hay đốm sọc .Mặt có hai vạch trắng từ khóe mắt lên đỉnh đầu, 2-3 vạch trắng ở mép môi trên, màu lông lưng và bụng ít tách biệt .
   Loài báo lửa có kích thước thon gọn , chiều dài đầu và thân : 76 - 82 cm , chiều dài đuôi : 43 - 49 cm
Tập tính - sinh thái :
    Báo lửa hoạt động chủ yếu vào ban đêm, thức ăn của chúng chủ yếu là các loài gặm nhấm, ngoài ra còn ăn các loài thú cỡ nhỏ, chim và ếch nhái...
    Sống chủ yếu ở rừng thường xanh, đặc biệt là các khu rừng trên núi đá vôi.
Phân bố :
   - Thế giới : Nêpan, Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia , Malaixia, Inđônêxia...
   - Việt Nam : Lai Châu , Tuyên Quang , Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Tây, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng...
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d C1+2a



3. Mèo rừng
Tên khoa học : Prionailurus bengalensis ( Kerr,1792 )    - Tên tiếng Anh : Leopard Cat
Các tên khác : Miêu, Cáo khua ( Mường ) , Tu hen meo ( Thái ) , Tu hin meo ( Tày )
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
   Mèo rừng là loài mèo nhỏ có màu nâu phớt vàng hoặc vàng thẫm, phần trên lưng và sườn có nhiều đốm màu tối. Bộ lông ngắn và mỏng có từ 4-5 sọc màu nâu tối chạy từ đỉnh đầu xuống hai bên vai và sau đó tách ra thành các đốm trên phần còn lại của cơ thể và chân tạo thành những đốm hoa văn rất đẹp. Chiều dài thân từ 45 - 55 cm , chiều dài đuôi khoảng 25 - 29 cm ,trên đuôi cũng chia thành các khoanh màu khác nhau , khoanh chóp đuôi thường là khoanh màu đen .Trọng lượng khoảng 3-5 kg. Mõm màu trắng,có một mảng lông trắng phía sau hai bên tai.
Tập tính - sinh thái :
    Mèo rừng sống ở rừng thứ sinh nghèo, các bụi cây,bãi bồi ven nương rẫy, ban ngày mèo rừng cuộn tròn nằm ngủ trong các hốc cây, ban đêm mèo hoạt động rình bắt mồi . Thức ăn chủ yếu của mèo rừng là các loài thú gặm nhấm cỡ nhỏ, đặc biệt món khoái khẩu là thịt chuột, ngoài ra mèo rừng còn săn bắt chin non, ếch nhái và ăn một số loài côn trùng như cào cào, ve,chuồn chuồn...
Phân bố :
   - Thế giới : Liên Xô cũ,Triều Tiên,Ấn Độ,Nêpan, Nam Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia , Malaixia, Inđônêxia...
   - Việt Nam : Khắp các tỉnh Trung du và miền núi
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít nguy cấp : LC
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam chưa cập nhật



4. Mèo cá
Tên khoa học : Prionailurus viverrinus ( Bennett,1833 )    - Tên tiếng Anh : Fishing Cat
Các tên khác : Cáo cộc
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
    Mèo cá về hình thể rất giống Mèo rừng nhưng kích cỡ lớn hơn. Chiều dài đầu và thân khoảng 72 - 79 cm , chiều dài đuôi : 25 - 29 cm .Trọng lượng 7 - 11 kg. Mèo cá có cơ thể chắc nịch khỏe khoắn,chân ngắn và đuôi tương đối ngắn. Bộ lông có màu xám xanh ô-liu , trên đó có nhiều hàng đốm mầu đen hoặc nâu tối , đuôi ngắn so với chiều dài của thân được phân thành những khoanh có màu sắc khác nhau, khoanh chóp đuôi thường là khoanh màu đen .
Tập tính - sinh thái :
    Mèo cá hoạt động chủ yếu vào ban đêm, chúng sống ven các thủy vực gần rừng như rừng thường xanh , rừng chàm,rừng ngập nước ven biển và đồng bằng sông Cửu Long, trên các trảng cây bụi ven sông suối. Chân trước có màng bơi nên Mèo cá bơi lội rất giỏi . Thức ăn chủ yếu của Mèo cá là cá, đôi khi chúng còn ăn cả cua,ốc,nhái,chuột.... Mèo cá làm tổ trong các hốc đá, bụi rậm,thời gian mang thai khoảng 63 ngày, mỗi lứa đẻ từ 1-4 con.
Phân bố :
   - Thế giới : Ấn Độ,Nêpan, Bănglađet, Nam Trung Quốc, Pakixtan, Xri Lanka, Đài Loan, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia...
   - Việt Nam : Chủ yếu các vùng phía Nam, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp : EN A1c,d C1+2a



 
5. Mèo ri
Tên khoa học : Felis chaus ( Gueldenstaedt,1776  )    - Tên tiếng Anh : Jungle Cat
Các tên khác : Mèo sô
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
   Mèo ri là loài mèo có cơ thể thon thả, chân dài và đuôi rất ngắn. Chiều dài đầu và thân : 72 - 78 cm , chiều dài đuôi : 25 - 29 cm . Trên cơ thể không có hoa văn mà lông chúng có màu nâu hung, phớt đỏ hoặc xám tro, điểm đặc trưng của loài mèo này là có túm lông tai màu đen , tương phản với màu đỏ phía sau tai .
Tập tính - sinh thái :
    Mèo ri sống ở những vùng rừng rụng lá ,các trảng cỏ, trảng cây bụi, các bờ lau lách dọc sông và đầm lầy. Mèo ri hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, thường là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Thức ăn của chúng bao gồm các loài gặm nhấm, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng và cá . Mỗi lứa thường đẻ 3 con, mèo con mở mắt sau 11 - 15 ngày tuổi.
Phân bố :
   - Thế giới : Ấn Độ, Pakixtan, Xri Lanka, Tây nam Trung Quốc, Thái Lan...
   - Việt Nam : Chủ yếu các vùng phía Nam, Tây Ninh , Gia Lai
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít lo ngại : LC
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng : DD Thiếu dữ liệu.
  


6. Mèo gấm
Tên khoa học : Pardofelis marmorata ( Martin, 1837  )    - Tên tiếng Anh : Marbled Cat
Các tên khác : Mèo báo
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
   Mèo gấm là loài có kích thước cỡ trung bình . Chiều dài đầu và thân : 45 - 53 cm, chiều dài đuôi : 47 - 53 cm. Bộ lông mịn,xốp,màu nâu sáng với những hoa văn nổi bật được tạo nên bởi các mảng lông  màu nâu tối trên khắp thân cùng những đốm nhỏ trải khắp cơ thể,đặc biệt ở chân. Có nhiều vệt đen ở đầu ,cổ và lưng; Có hai dải lông đen chạy từ cổ đến gốc đuôi, tách biệt với các vân ở lưng. Đuôi của chúng rất dài, lông dầy và mềm mại có chiều dài gần bằng chiều dài của đầu và thân , đây là điểm rất khác biệt của Mèo gấm so với các loài mèo khác.
Tập tính - sinh thái :
    Mèo gấm hoạt động vào ban đêm, chủ yếu đi kiếm thức ăn ở trên cây , thức ăn của chúng gồm : Chuột, sóc, cu li, khỉ non...ngoài ra chúng còn ăn chim, ếch nhái và côn trùng.
Phân bố :
   - Thế giới : Ấn Độ, Nê Pan , Mianma,Malaixia, Inđônêxia, Thái Lan.
   - Việt Nam : Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn, Phú Thọ, Đăk Lăk, Lâm Đồng
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp : VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng sẽ nguy cấp : VU A1c,d C1



7. Báo gấm
Tên khoa họcPardofelis nebulosa ( Griffith, 1821  )    - Tên tiếng Anh : Clouded Leopard
Các tên khác : Xưa khút ( Thái ) ,Hên tềnh,Tu xưa lơn ken ( Tày ), Moòng tưng ( Mường )
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
    Báo gấm là loài thú có kích cỡ lớn trong họ nhà mèo. Chiều dài đầu và thân : 65 - 95 cm, chiều dài đuôi : 55 - 80 cm . Trọng lượng : 25 - 40 kg. Thân thể được bao phủ bởi bộ lông với hoa văn và màu sắc rất đẹp . Lông trên thân màu đất son, vàng nâu hoặc xám bạc được phủ bởi hoa văn như những đám mây có kích thước lớn nhỏ khác nhau, chân trước ngắn và phần dưới bụng có những đốm đen hình bầu dục. Đuôi của chúng có lông rất dày , dài và mềm mại được bao quanh bởi những khoanh đen, trên lưng có một vệt lông đen chạy dọc sống lưng. Mõm có màu trắng, tai dựng đứng và tròn,có những chấm trắng phía sau tai.
Tập tính - sinh thái :
    Báo gấm rất giỏi leo trèo, chúng sống chủ yếu trên các thân cây gỗ lớn, săn mồi vào ban đêm. Thức ăn của chúng là những loài móng guốc như nai, hoẵng,cheo cheo...đôi khi là khỉ,tê tê, gà rừng. Báo gấm sống đơn lẻ, chỉ cặp đôi với nhau vào mùa sinh sản, báo gấm mang thai 90 - 95 ngày, đẻ 2-4 con mỗi lứa.
Phân bố :
   - Thế giới : Nam Trung Quốc, Nêpan, Mianma, Malaixia, Inđônêxia, Thái Lan..
   - Việt Nam : Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lâm Đồng.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng sẽ nguy cấp: VU
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng nguy cấp  : EN A1c,d C1+2a




8. Báo hoa mai
Tên khoa họcPanthera pardus ( Linnaeus,1758  )    - Tên tiếng Anh : Leopard
Các tên khác : Báo sao, Xưa lai chèn ( Tày ),Xưa đăm ( Thái ), Mèo khán ( Mường ), Hên phiểu ( Dao )
Họ Mèo : Felidae     -     Bộ ăn thịt : Carnivora
Đặc điểm nhận dạng :
    Báo hoa mai là loài có kích thước lớn trong họ nhà mèo, thân dài,chân cao. Chiều dài đầu và thân 100 - 130 cm, chiều dài đuôi : 80 - 100 cm. Trọng lượng : 45 - 80 kg. Bộ lông màu vàng nâu,đôi khi là kem nhạt, trên đó có nhiều hoa văn hình hoa thị lớn, các hoa văn này có vòng ngoài khép kín, dày và đen ở phần trung tâm. Trên đầu, chân và bàn chân và nửa mặt bụng được phủ bởi các đốm đơn lẻ
Tập tính - sinh thái :
    Báo hoa mai sống trong nhiều sinh cảnh, chúng chủ yếu ngủ trên cây, khi tấn công con mồi chúng thường nhảy lên lưng con thú từ trên cây, ngoạm vào cổ cắn con mồi kiệt sức đến chết ,sau đó chúng tha xác con mồi treo lên cảnh cây cao để ăn, tránh bị các loài khác cướp phần . Thức ăn của chúng chủ yếu là các loài móng guốc như hươu,nai, lợn rừng....nhưng khi đói chúng ăn cả chim, khỉ, ếch nhái...Báo hoa mai sống đơn lẻ,chỉ kết đôi vào mùa sinh sản . Báo mẹ mang thai khoảng 90 - 105 ngày, mỗi lứa đẻ 2-3 con. Sau khoảng 1 năm tuổi,báo con tách khỏi bố mẹ để sống độc lập
Phân bố :
   - Thế giới : Ấn Độ,Đông Nam Trung Quốc, Bănglađet,Nam Nêpan, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia.
   - Việt Nam : Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Trị ,Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng.
Tình trạng bảo tồn :
   - Thế giới :Sách đỏ IUCN phân hạng ít nguy cấp: LC
   - Việt nam : Sách đỏ Việt Nam phân hạng rất nguy cấp  : CR A1d C1+2a


9. Báo đen

    Báo Đen là dạng biến dị cá thể cùng loài của Báo Hoa mai ( hay còn gọi là bệnh hắc tố ) với nền lông màu đen tuyền ,các đốm hoa thị cũng có mầu đen ẩn vào nền lông trên thân báo nên rất khó phân biệt . Cả hai dạng Báo Hoa mai lông đen và Báo Hoa mai lông vàng đều có thể được đẻ ra trong cùng một lứa , dạng này rất hiếm gặp .




Thú họ Mèo tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tiệt diệt ngoài tự nhiên. Chúng  ta hãy chung tay bảo vệ họ thú này để chúng không hoàn toàn biến mất trên bản đồ đa dạng sinh học ở Việt Nam các bạn nhé !.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cảm ơn các ban đã ghé thăm website www.biophilavn.com . Mong nhận được nhiều hơn nữa sự cộng tác cũng như sự  ủng hộ từ các bạn 
Trở lại
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
Danh mục các loài Thú Linh Trưởng ở Việt Nam (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Culi ) (17/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Khỉ ) (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Khỉ - Loài Voọc ) (18/03/2014)
Thú Linh Trưởng ở Việt Nam ( Họ Vượn ) (17/03/2014)
Xem tiếp
Biodiversity Philately Vietnam - BPV
Đang online:3             
Tổng số truy cập: 3599379